Dinh dưỡng khi bị bệnh

Đăng lúc 23:57 10/04/2020 | Bởi Hồ Bảo Quốc
Một câu thành ngữ cổ đã nói rằng: “Sốt thì bỏ đói, cảm lạnh thì cho ăn”. Thế nhưng chính xác thì bạn phải ăn uống như thế nào khi bị ốm đây?

Một câu thành ngữ cổ đã nói rằng: “Sốt thì bỏ đói, cảm lạnh thì cho ăn”. Thế nhưng chính xác thì bạn phải ăn uống như thế nào khi bị ốm đây?

Tôi hoàn toàn kiệt sức. Sốt, rét lạnh, đau và mệt mỏi- một tổ hợp không thể thảm họa hơn được nữa. Tôi không tài nào nhúc nhích hay suy nghĩ gì nổi.

Điều cuối cùng tôi muốn làm là ăn. Lúc này, tôi chỉ muốn nằm dài trên ghế sofa cho đến hết ngày, uống nước khi cần thiết và hi vọng rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn hơn.

dinh duong nguoi om

Giống như hầu hết những người khỏe mạnh, tôi cuối cùng cũng hồi phục trở lại. Năng lượng và khẩu vị của tôi dần khá lên.

Sau đó, tôi bắt đầu tự hỏi: “Liệu việc thay đổi chế độ ăn uống có khiến tôi hồi phục sức khỏe sau ốm nhanh hơn không?”, hay đúng hơn: “Liệu việc kết hợp đúng và đầy đủ các chất dinh dưỡng đã có thể giúp tôi tránh nhiễm virus ngay từ đầu rồi hay không?”

Trong bài báo này, tôi sẽ khai thác, trả lời những câu hỏi nêu trên và đưa ra một vài hướng dẫn cùng lời khuyên cho các bạn.

Bằng cách này, lần sau khi các bạn ốm, bạn sẽ biết chính xác mình cần phải ăn gì để phục hồi nhanh và nhẹ nhàng hơn, thậm chí còn có thể giảm thiểu nguy cơ tái mắc bệnh.

 

Hệ miễn dịch: Hàng phòng ngự cơ bản

Tinh vi, phức tạp và cực kì tuyệt vời – đó chính là hệ miễn dịch của con người.

Luôn có mặt ở khắp các bộ phận cơ thể, nó giúp bảo vệ chúng ta khỏi vô vàn vi khuẩn, nấm, virut luôn chực chờ tấn công và tàn phá cơ thể (theo nghĩa đen).

Trên thực tế, khi chúng ta ăn uống, hệ miễn dịch đã bắt đầu hành động ngay từ giây phút chúng ta đưa thực phẩm vào miệng.

Tôi dám cá rằng bạn không biết trong nước bọt của mình có chứa nhiều chất kháng vi sinh vật mạnh như lysozyme, alpha-amylase và lactoferrin đấy!

Và những chất kháng vi sinh vật này mới chỉ là lớp phòng thủ cơ bản đầu tiên thôi. Bất cứ vi khuẩn nào trót lọt vượt qua lớp phòng ngự này sẽ phải đối mặt với một rào cản còn ghê gớm hơn nhiều: axit clohiđric trong dạ dày của chúng ta

Đủ mạnh để đánh bay cả những lớp rỉ sét, axit clohiđric sẽ phá hủy hầu hết những vi khuẩn xâm nhập vào dạ dày trước khi chúng đến được ruột.

Nếu các axit trong dạ dày cũng bại trận thì chúng ta vẫn còn các loại protein và hợp chất hóa học khác nằm sâu trong ống tiêu hóa, sẵn sàng phát hiện và chống lại bất cứ vi khuẩn nào đi ngang qua.

Cuối cùng, hệ vi sinh vật có lợi sống trong chính cơ thể của chúng ta (đó chính là những lợi khuẩn mà bạn vẫn thường hay nghe thấy đấy) cũng giúp ngặn chặn các vi khuẩn có hại đi vào mạch máu hay đến cư trú tại ruột non và ruột kết.

Những thực phẩm mà chúng ta ăn có ảnh hưởng đến những vi sinh vật này và các phức hợp mà chúng sản sinh.

thực phẩm giàu xơ

Những thức ăn giàu dinh dưỡng và chất xơ thường có giá trị củng cố và nâng cao cân bằng cho một hệ vi sinh vật khỏe mạnh, trong khi đó những loại thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo hay thức ăn chế biến sẵn có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

 

 

 

Đó là lí do vì sao mà một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng chính là tấm vé đảm bảo tốt nhất trước mọi loại bệnh tật và vi khuẩn.

Thực tế, đường tiêu hóa chiếm đến hơn 70% hệ miễn dịch của con người (và nó phức tạp hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể bàn luận ở đây).

Hiện tại, chúng ta chỉ cần biết rằng những gì mà chúng ta ăn sẽ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch ở nhiều mức độ khác nhau là đủ.

Giờ thì hãy tìm hiểu sâu hơn một chút nào.

 

Ăn uống và vấn đề miễn dịch

Nếu cách bạn ăn uống khá lộn xộn thì bạn sẽ dễ mắc bệnh hơn những người có chế độ ăn uống lành mạnh đấy.

Nhiễm trùng do virut và vi khuẩn sẽ dễ gây hại và khiến bạn cảm thấy không khỏe lâu hơn.

Bên cạnh đó, ăn uống không hợp lí và đủ chất khi bạn bị ốm sẽ chỉ làm bạn ốm nặng hơn

Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp cơ thể có khả năng phản kháng lại sự xâm nhập của vi khuẩn nhanh chóng và hiệu quả.

Và để có thể hoạt động tốt, các tế bào miễn dịch trong cơ thể cần nhiều vitamin, khoáng chất, amino axit cùng các chất béo cần thiết khác.

Tuy vậy tình trạng suy dinh dưỡng vẫn phổ biến hơn bạn nghĩ nhiều. Đó là ví do vì sao tại Dinh dưỡng chuẩn, chúng tôi luôn khuyến cáo các bạn hãy hành động để ngăn chặn chúng.

nhiem trung va nhu cau dinh duong cua co the

 

Prebiotic và probiotic

Trên phương diện phòng ngừa bệnh tật, chúng ta đặc biệt không thể không nhắc đến prebiotics và probiotics.

Prebiotics (hay còn gọi là thức ăn cho vi sinh vật) giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh vật có lợi sống trong đường ruột của chúng ta. Thông thường, chúng tồn tại dưới dạng chất xơ bán tiêu hóa mà các vi khuẩn có thể hấp thụ và/hoặc giúp đẩy thức ăn di chuyển dọc theo đường tiêu hóa.

Probiotics (tức là bản thân các vi sinh vật hữu ích) đã cho thấy khả năng giúp cho ta phục hồi nhanh chóng hơn khi mắc bệnh.

Vì thế, tất cả chúng ta cần đảm bảo rằng hệ tiêu hóa của mình luôn có sự hiện diện đầy đủ của những sinh vật thân thiện này.

Những thực phẩm toàn phần (thực phẩm chưa qua chế biến hoặc được chế biến theo cách đơn giản nhất có thể) giàu prebiotics nhất là:

  • Các loại rau quả như: măng tây, tỏi, atisô Jerusalem, tỏi tây và hành tây.
  • Các thực phẩm giàu tinh bột như: đại mạch, các loại đậu, yến mạnh, hạt diêm mạch, lúa mạch đen, lúa mì, khoai tây và khoai mỡ.
  • Trái cây như: táo, chuối, các loại dâu, cam, chanh, kiwi.
  • Chất béo từ hạt lanh và hạt chia.
prebiotics

Bên cạnh đó, những thực phẩm toàn phần giàu probiotics nhất là:

  • Các sản phẩm làm từ sữa như: yogurt, phomai và nấm sữa kefir có chứa các vi sinh vật sống.
  • Rau quả muối như: dưa món, dưa cải Đức, kimchi
  • Đậu nành lên men: miso (Nhật Bản), tempeh (Indonesia).
  • Thực phẩm hỗn hợp như: nước tương, rượu vang.
thuc pham giau probiotics

Bổ sung probiotics từ thức ăn.

Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh, hãy đặt mục tiêu ăn từ 1 đến 2 phần ăn giàu probiotics mỗi ngày. Còn nếu bạn đang muốn phòng ngừa hay giảm bớt các dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó, bạn có thể tăng lượng dùng lên.

Bổ sung probiotics từ thực phẩm chức năng.

Mỗi liều thực phẩm chức năng thường chứa hàng tỉ vi sinh vật sống. Nếu sử dụng lần đầu tiên thì cần bổ sung  từ 3 đến 5 tỉ vi sinh vật là đủ. Con số này có thể lên đến 10 tỉ nếu bạn đang cần giảm các triệu chứng bệnh. Hãy lựa chọn những nhãn hiệu có uy tín và uống thuốc cùng với thức ăn và nước lọc.

Bổ sung prebiotics từ thức ăn.

Nếu sức khỏe của bạn bình thường, bạn nên ăn từ 2 đến 3 bữa ăn giàu prebiotics mỗi ngày.

Bổ sung prebiotics từ thực phẩm chức năng.

Bạn cần uống từ 2-4 gram prebiotics hàng ngày để giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi và cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Sẽ càng lí tưởng hơn nữa nếu bạn có thể bổ sung cả prebiotics và probiotics cùng một lúc.

Lưu ý: bạn có thể sẽ cảm thấy không khỏe trước khi sức khỏe được cải thiện bởi các vi khuẩn này cũng thải ra một số độc tố nhất định.

Bên cạnh đó, những người bị suy giảm miễn dịch có thể bị nhiễm khuẩn từ các vi sinh vật này.

Hãy thận trọng nếu bạn:

  • đang mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS),
  • đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch,
  • đang xạ trị hay hóa trị,
  • đang nằm viện.

 

Ăn hay không ăn ?

Mặc dù một khẩu phần ăn đa dạng các loại thực phẩm toàn phần giàu prebiotics và probiotics sẽ vô cùng hữu ích trong việc bảo vệ bạn tránh nhiễm khuẩn và virut, kể cả chế độ ăn uống lành mạnh nhất cũng không thể chống lại mọi sự xâm nhập. Nếu bạn đã bị ốm, dĩ nhiên là bạn sẽ muốn hồi phục nhanh nhất. Tuy nhiên liệu chúng ta có nên sốt thì bỏ đói, cảm lạnh thì cho ăn như lời khuyên của câu thành ngữ cổ hay không?

Bật mí cho bạn một chút: Không có câu trả lời tuyệt đối cho câu hỏi này.

Một cuộc nghiên cứu nhỏ đã tìm ra rằng quả thật việc ăn uống sẽ giúp chống lại cơn cảm lạnh do virus và việc nhịn ăn có tác dụng hỗ trợ cơ thể chiến đấu với sự nhiễm trùng gây ra bởi tình trạng sốt cao.

Nhưng với chỉ một nghiên cứu thì không thể đưa ra kết luận cụ thể được, đặc biệt là khi những bằng chứng cho các phát hiện của nó vẫn còn chưa rõ ràng.

Hiện tại, chúng ta chỉ biết chắc chắn rằng việc hạn chế hấp thụ calo một cách vừa phải có thể:

  • cải thiện chức năng miễn dịch qua trung gian tế bào
  • bù đắp cho những thay đổi trong hệ miễn dịch do tuổi tác hay do ảnh hưởng của quá trình hóa trị bằng cách tái tạo tế bào gốc.

Mặt khác, trong suốt giai đoạn mà lượng thức ăn được tiêu thụ giảm:

  • khả năng phòng ngự của cơ thể trước những mầm bệnh cũng suy giảm.
  • hệ miễn dịch bị ức chế.

Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, chu trình suy dinh dưỡng – nhiễm trùng lặp đi lặp lại sau cùng sẽ có thể dẫn đến bệnh kwashiorkor (một loại suy dinh dưỡng nặng)

Nghe có vẻ khá là 50-50 nhỉ?

 

Bệnh tật và khẩu vị

Thực tế mà nói, xét về mặt lý thuyết thì việc lựa chọn giữa ăn hay nhịn khi bạn bị ốm tốt nhất nên dựa vào những dấu hiệu của chính cơ thể chúng ta.

Nói thẳng ra, chính khẩu vị của chúng ta sẽ đưa ra cho mỗi người một hình dung rõ ràng nhất về những gì mà chúng ta nên (hoặc tránh) ăn khi bị ốm.

Ví dụ, rất ít ai trong chúng ta có cảm giác thèm ăn khi bị cúm hay viêm dạ dày ruột.

Đó là bởi vì những vi khuẩn cúm và tình trạng nhiễm trùng đã làm gia tăng mật độ lưu thông của TNF-alpha (một loại cytokine viêm) gây ức chế khẩu vị.

Có lẽ đây là cách mà cơ thể bảo toàn các nguồn tài nguyên của nó chăng? Sau tất cả, quá trình tiêu hóa sẽ làm hao tốn một lượng kha khá năng lượng, trong khi chúng lại có thể được sử dụng để chống lại những kẻ xâm nhập từ bên ngoài khi chúng ta bị bệnh.

Khả năng này nghe có vẻ thú vị đấy, nhưng vào thời điểm này tất cả mới chỉ là sự phỏng đoán.

 

Vai trò của phản ứng viêm

Chúng ta biết rằng những yếu tố về hành vi cũng như trao đổi chất có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Dường như có sự đan xen giữa hai quy trình nhằm báo hiệu cho các cơ chế có nhiệm vụ trao đổi năng lượng và thực hiện chức năng miễn dịch hoạt động.Chẳng hạn, ghrelin, loại hoocmôn tạo cảm giác đói, có thể ức chế sự sản sinh của các hợp chất gây viêm.

Điều này có thể có lợi hoặc có hại, tùy thuộc vào những trường hợp khác nhau.

Bằng cách nào? Phản ứng viêm tuy giúp chúng ta chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh, nhưng nếu viêm quá nhiều lại có thể khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Chẳng hạn, quá trình trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao khi bạn sốt. Điều này cải thiện khả năng phản kháng của cơ thể trước vi khuẩn bằng cách đẩy nhanh tốc độ di chuyển của chúng trong cơ thể.

Tuy vậy, cùng lúc đó, cơn sốt cũng có thể khiến chúng ta mất nước, làm cho việc đưa một mầm bệnh ra khỏi cơ thể trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, bản thân sự nhiễm trùng có thể làm gia tăng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể chúng ta, đặc biệt là với các loại chất lỏng, protein và một vài vi chất khác.

Hơn nữa, một số chất dinh dưỡng nhất định có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Một loại chất dinh dưỡng cụ thể vừa có thể là nguồn nhiên liệu cho các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch, vừa ảnh hưởng đến các mô khác có vai trò điều hòa chức năng miễn dịch chung của cơ thể.

Tóm lại, khi bàn về vấn đề này, chúng ta đang nói đến một tổ hợp các mối quan hệ hết sức phức tạp. Vì vậy mà thật dễ hiểu khi các nhà khoa học vẫn chưa thể đi đến cốt lõi của vấn đề.

Tuy nói vậy nhưng khi cân nhắc đến việc các cơn cảm lạnh thường là hậu quả của nhiễm virus, còn các cơn sốt lại bị gây ra do nhiễm khuẩn, lời khuyên rằng bạn nên ăn khi bị cảm và nhịn đói khi sốt quả thực có dựa trên một số bằng chứng khả thi về mặt sinh học và cũng đáng thử đấy, đặc biệt là khi bạn chỉ ốm nhẹ và khẩu vị cho phép.

 

Thực phẩm và vấn đề miễn dịch

Giả sử rằng dù đã rất cẩn thận nhưng bạn vẫn bị ốm – khẩu vị của bạn cũng chưa biến mất hoàn toàn, vậy thì có loại thực phẩm nào có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi hay không? Về thực tế thì có đấy.

Một vài ví dụ có thể kể đến như:

  • Tỏi. Hoạt động như một chất kháng sinh và từ lâu đã được phát hiện là có công dụng giảm bớt mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh và các loại nhiễm trùng khác.
  • Súp gà. Thường được sử dụng để trị cảm, súp gà thật sự có công hiệu đấy! Súp ấm và dễ chịu, giúp cung cấp chất lỏng và các chất điện giải, bên cạnh đó còn chứa nhiều thành phần kháng viêm có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh. Tuy nhiên nếu muốn có hiệu quả thì bạn phải dùng súp gà nguyên chất – loại súp được chế biến bằng cách hầm từ xương gà thay vì các loại súp đóng gói hay đóng hộp.
  • Trà xanh. Tăng cường sản sinh các tế bào bạch cầu lymphô B, giúp bài trừ các mầm bệnh đang chực chờ xâm nhập ra khỏi cơ thể.
  • Mật ong. Chứa các thành phần kháng khuẩn, kháng vi sinh vật và có tác dụng giảm ho. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả giảm ho của mật ong là tương đương với các loại thuốc ho khác. Tất cả những gì bạn cần làm là cho vài thìa cà phê mật ong vào một tách trà xanh (bằng cách này bạn có thể cùng lúc có được những lợi ích từ trà xanh.)
  • Cây cơm cháy. Loại cây này có các thành phần chống virus và chứa rất nhiều dưỡng chất từ thực vật. Một vài nghiên cứu ở quy mô nhỏ đã cho thấy chiết suất từ cây cơm cháy có tác dụng rút ngắn cơn cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
mat-ong-3

Dưỡng chất và hệ miễn dịch

Khoa học về dinh dưỡng rất thích nghiên cứu về từng loại dưỡng chất riêng biệt, tuy nhiên đó lại không phải là mối quan tâm chính của chúng tôi tại Precision Nutrition.

Chúng tôi hiểu rằng nếu quá tập trung vào tiểu tiết thì sẽ dễ khiến mọi người quên đi bức tranh toàn cảnh, mà chính bức tranh đó mới là điều chúng ta nên biết để đưa ra những quyết định đúng đắn về vấn đề sức khỏe.

Tuy vậy, việc nghiên cứu từng loại dưỡng chất cụ thể lại có thể đem đến những hiểu biết đặc biệt chuyên sâu về các con đường trao đổi chất khác nhau cũng như ảnh hưởng của mỗi chất dinh dưỡng trong những trường hợp nhất định.

Dưới đây là một vài ví dụ:

  • Sụt giảm năng lượng nghiêm trọng có thể gây ức chế hệ miễn dịch. Điều này cũng giải thích vì sao nhiều người dễ bị ốm hơn sau khoảng một tuần kể từ khi bắt đầu giảm đáng kể khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Hấp thụ thiếu hoặc thừa protein, sắt, kẽm, magie, mangan, selen, đồng và các vitamin A, C, D, E, B6, B12 và axit folic đều có thể gây giảm khả năng triển khai các cơ chế miễn dịch của cơ thể.
  • Suy dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất, protein hay calo) kéo dài có thể làm suy giảm khả năng phản ứng của hệ miễn dịch. Đây là tác dụng phụ của suy dinh dưỡng và một số rối loạn ăn uống khác. Trên thực tế, suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm miễn dịch mắc phải nhiều hơn cả virus HIV. Bổ sung vào chế độ ăn uống các dưỡng chất bị thiếu hụt sẽ giúp khôi phục lại chức năng miễn dịch của cơ thể.
  • Việc ăn uống quá đà hay nhiều hơn nhu cầu cần thiết của cơ thể có thể cản trở khả năng phản ứng của hệ miễn dịch trước các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Điều này phần nhiều là do các chất béo mà chúng ta ăn cuối cùng sẽ được tích trữ trong cơ thể. Kể cả các chất béo dùng trong thực phẩm cũng sẽ trở thành một phần của thành tế bào, một số loại chất béo thậm chí còn gây rối loạn chức năng miễn dịch.
  • Mặc dù một số loại chất béo (như omega-3) có khả năng giúp điều hòa hệ miễn dịch thông qua các phân tử resolvin và protectin, một lượng quá lớn chất béo bão hòa, omega-6 và thậm chí cả omega -3 có thể bị cơ thể nhận lầm là các vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài, kích hoạt phản ứng miễn dịch và dẫn đến rối loạn chức năng ruột (cũng như chức năng của hệ miễn dịch).
  • Các tế bào mỡ khi tiết ra các hoạt chất gây viêm có thể kích hoạt một loại “báo động giả” lên phản ứng miễn dịch. Theo thời gian, cơ thể sẽ trở lờn với các báo động giả này và phản ứng của hệ miễn dịch sẽ không còn nhạy như bình thường. Điều này tương tự như khi bạn liên tục kích hoạt hệ thống báo khói bằng việc để bánh mì bị nướng cháy một cách thường xuyên. Khi xảy ra hỏa hoạn thật thì mọi chuyện đã hỏng bét rồi.
  • Một chế độ ăn uống giàu các loại đường phụ gia không chỉ làm tăng chỉ số đường huyết mà còn có thể gây suy giảm chức năng của các tế bào bạch cầu và gây viêm. Gluten (một họ các protein liên kết với tinh bột được tìm thấy trong nội nhũ của các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch v.v.) cũng có thể dẫn đến phản ứng tương tự đối với một số người có kiểu gen nhất định.
  • Thiếu hụt protein trong chế độ ăn uống có thể gây suy giảm miễn dịch. Vào mỗi bữa ăn, nam giới nên ăn một lượng thức ăn giàu protein tương đương khoảng 2 hai bàn tay, còn đối với nữ giới là một.
  • Sắt và kẽm là hai nguyên tố quan trọng đối với nhiều loại metalloenzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp axit nucleic và sinh sôi tế bào. Nghe có vẻ khá cường điệu nhưng các vi chất này lại đóng vai trò chủ chốt để giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt. Nếu những quá trình này không được diễn ra bình thường thì tủy xương sẽ rất khó có thể sản sinh ra đủ tế bào bạch cầu, gây hại ngược lại cho hệ miễn dịch của chúng ta.
  • Tuy sắt là một dưỡng chất cần thiết nhưng cung cấp quá nhiều sắt có thể dẫn đến các phản ứng oxi hóa gây tổn hại đến những tế bào có khả năng hình thành phản ứng miễn dịch.
  • Một vài người cho rằng thiếu glutamin có thể gây ra tình trạng ức chế miễn dịch bởi glutamin rất cần thiết cho sự sinh sôi nảy nở của các tế bào bạch cầu. Nhưng các dữ liệu thì vẫn chưa thể chứng minh được điều này.

Nói chung, cả việc suy kiệt lẫn cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng trên thực tế đều có thể làm giảm cơ chế chống oxi hóa tự nhiên của cơ thể.

Trong mọi trường hợp, cân bằng vẫn là yếu tố then chốt nhất.

thuc pham anh huong kha nang mien dich

Những thực phẩm trong chế độ ăn uống hiện đại có ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.

(Myles IA. Cơn sốt thức ăn nhanh: Bàn về những ảnh hưởng của khẩu phần ăn phương Tây đối với hệ miễn dịch. Tạp chí dinh dưỡng 2014;13:61-78.)

 

Thực phẩm chức năng

Thông thường chúng ta tăng cường hệ miễn dịch bằng cách sử dụng thực phẩm toàn phần. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định bạn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm chức năng.

Những dưỡng chất giúp củng cố hệ miễn dịch và dễ được cơ thể hấp thụ bao gồm:

  • Thực phẩm bổ sung vitamin C
  • Kẽm
  • Chiết suất cây cơm cháy
  • Nhân sâm

Quercetin có thể hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch (dùng 1000mg trong vòng 3 tuần). Chất này có mặt nhiều trong hành tây, táo, rượu vang đỏ, bông cải xanh, trà và hạt bạch quả.

Beta-glucan (được tìm thấy ở yến mạch) cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch.

Cỏ ngọt stevia thúc đẩy hoạt động của các tế bào bạch cầu.

Selen cũng có vai trò quam trọng trong việc giảm bớt tình trạng nhiễm khuẩn và tính độc hại của virus (nhưng cần chú ý không nên bổ sung selen quá liều lượng).

Ăn những thực phẩm giàu vitamin E (như các loại hạt, dầu oliu hay quả bơ) cũng rất có lợi. Chúng giúp nâng cao chức năng của tế bào bạch cầu limphô T, qua đó giảm khả năng mắc cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác.

 

Những gì bạn có thể làm ngay lúc này

Để phòng bệnh, bạn cần:

  • tránh tập thể thao quá ít hay quá nhiều
  • tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít
  • luôn giữ cân nặng cơ thể ở một mức độ vừa phải
  • rửa tay
  • thường xuyên ngủ đủ giấc
  • kiểm soát căng thẳng
  • ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng
  • nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi

Đối với một số người, việc thi thoảng nhịn ăn cũng có thể có ích.

Bên cạnh đó, hãy cân nhắc bổ sung thêm vitamin D, probiotics và nhiều dạng thực phẩm giúp cung cấp các loại vitamin/ khoáng chất khác nhau.

Tuy nhiên bạn phải hiểu rằng nếu khẩu phần ăn của bạn thiếu cân bằng và lành mạnh thì việc bổ sung thêm probiotics cũng không giúp ích được nhiều. Chỉ với riêng thực phẩm chức năng thì không thể cải thiện tình hình được mà đầu tiên, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống của mình trước.

Nếu đã mắc bệnh, bạn cần:

  • uống nhiều nước (đặc biệt là nước lọc và trà xanh)
  • nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe
  • ăn nhiều thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch
  • bổ sung prebiotic và probiotic
  • dùng các thực phẩm chức năng có công dụng cải thiện khả năng miễn dịch.

Và trên hết, hãy lắng nghe những dấu hiệu của chính cơ thể bạn.

Nếu bạn đói thì hãy ăn đi, còn nếu không thì đừng. Sau cùng, cho dù bạn có kiểm soát chế độ ăn uống, luyện tập, ngủ nghỉ và tình trạng căng thẳng tốt đến mức nào đi chăng nữa, đôi khi bạn vẫn sẽ bị bệnh. Tất cả chúng ta đều như thế cả. Đừng giả vờ như bạn chưa từng mắc bệnh và làm anh hùng nữa. Thay vào đó, hãy thực hiện các bước đã được liệt kê trên đây để có thể phục hồi sức khỏe trong thời gian ngắn nhất.

Bình luận

Đọc thêm

Bàn tay ta làm nên tất cả

2 tháng trước
Dù cho sẽ có một vài chuyện không như ý, một vài thất bại nhưng đừng ngần ngại và quá sợ sệt. Hãy dũng cảm lên và tự lo cho mình! Mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi.

Hãy tử tế với đời, đời sẽ tử tế với bạn

4 tháng trước
Khôn ngoan không lại với trời. Thôi thì cứ mặc người đời khôn ngoan.

Đọc và ngẫm

4 tháng trước
Nhìn thấu lòng người cũng không cần nói ra hết, chừa cho họ một con đường, chừa cho mình chút khẩu đức.

10 Quy Luật Bất Biến Của Cuộc Sống

5 tháng trước
Không phải vì có hy vọng nên mới kiên trì, mà là nhờ kiên trì nên mới sản sinh hy vọng. Không phải vì có cơ hội nên mới tranh thủ, mà là nhờ biết tranh thủ nên mới chớp đúng cơ hội.

Làm gì để bản thân trở nên đắt giá hơn?

5 tháng trước
Trên giá sách đừng chỉ đặt mỗi tiểu thuyết ngôn tình và tiểu thuyết mạng, bạn cần đặt thêm những cuốn sách khác nữa.

Bio Link cá nhân là gì?

5 tháng trước
Sử dụng Mạng xã hội để phát triển và khẳng định bản thân đang là xu hướng của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ Gen Z. Vậy, giữa rất nhiều người nổi bật ngoài kia, bạn nên làm thế nào để thể hiện tốt nhất sự chuyên nghiệp, chỉn chu của mình? Hãy dùng Bio Link nhé! Bài viết sau đây Simple Page sẽ giúp bạn tìm được mẫu Bio Link cá nhân phù hợp với phong cách của mình, hoàn toàn miễn phí nha!

10 SỰ KHÁC BIỆT TRONG TƯ DUY LÚC TRẺ VÀ LÚC GIÀ

5 tháng trước
Khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: Khi trưởng thành, ta sẽ không còn bị tổn thương. Nhưng khi đã già, ta mới biết rằng: Trưởng thành là biết điều chỉnh tiếng khóc về chế độ im lặng!

LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI SỰ CHẬM CHẠP Ù LÌ?

5 tháng trước
Đi ngủ sớm để dậy được sớm. Bạn sẽ có thời gian yên tĩnh sắp xếp đâu ra đấy cuộc đời mình ngay từ đầu ngày.

7 ĐIỀU AI CŨNG PHẢI HỌC CẢ ĐỜI

5 tháng trước
Phải ghi nhớ một điều rằng không phải lúc nào bạn gặp khó khăn cũng có người bên cạnh giúp đỡ, những lúc như thế bạn càng phải mạnh mẽ lên, đ.ộ.c lập tự giải quyết, kiên cường bước tiếp, dũng cảm đối m.ặ.t với mọi h.i.ểm ng.uy. (Học cách mạnh mẽ)

NHỮNG LƯU Ý TRONG GIAO TIẾP MÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÔNG DẠY BẠN

5 tháng trước
Khi bạn cảm thấy người khác có được thứ mà bạn không có, đừng ghen tị, bởi một là người ta cố gắng mới đạt được, hai là bởi trời sinh. Cũng cố gắng đi.